TTCT - Lần giở lịch sử phát triển và những cơ hội bị bỏ lỡ đã qua với kinh tế Việt Nam, tôi đã phải thốt ra từ giá như rất nhiều lần. Tiếc là lịch sử không có chữ nếu, nên kết quả của Việt Nam chưa được như kỳ vọng.
Chúng ta vẫn chưa thể trở thành nước có thu nhập cao, chưa bằng bạn bằng bè như một số nước đã làm được sau 3-4 thập kỷ với cùng xuất phát điểm.
Thành công trong đối ngoại của năm 2023 và bối cảnh thế giới hiện nay đang mở ra cơ hội lần thứ hai cho Việt Nam, để học thuộc những bài học đã phải trả giá trong quá khứ và tham khảo những bài học hay từ các nước nhằm tận dụng cơ hội sẽ không quay lại lần thứ hai này.
Lợi ích quốc gia là điều quan trọng nhất mà nước nào cũng quan tâm hàng đầu trong quan hệ đối ngoại. Tình hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau chỉ xảy ra khi chúng cùng hướng với lợi ích của mỗi nước.
Trong thời hiện đại, Singapore là một điển hình thành công trong việc chơi với cả hai bên. Trong thời chiến tranh lạnh, họ vừa tạo được chỗ đứng và vị thế của mình trong quan hệ với Mỹ và các nước thuộc khối tư bản, vừa làm cho các nước phía còn lại cần mình.
Kết quả, họ đã trở thành cầu nối và hưởng lợi. Giờ đây họ vẫn đang làm rất tốt điều này, đứng giữa Mỹ và Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ cũng như một số nước Trung Đông như Qatar hay Saudi Arabia cũng đã ít nhiều làm được tương tự nhằm tận dụng các cơ hội và tạo dựng vị thế để vươn lên, đi giữa các cường quốc.
Trái lại, những vấn đề xảy ra đối với một số nước, như Philippines chẳng hạn, là bài học mà Việt Nam nên tránh. Cơ hội và điều kiện đến mà họ đã không thể tận dụng nên kết cục rất không hay: bên trong là một nhà nước tham nhũng và bè phái; và quan hệ bên ngoài thì phụ thuộc vào nước khác.
Nếu Việt Nam dứt khoát chọn cạnh tranh quốc tế, sòng phẳng trong quan hệ với các nước và vùng lãnh thổ để có thể vươn lên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore và Trung Quốc thì con đường phía trước sẽ cần những thay đổi rõ ràng.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được đặt trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của cường quốc số 1 thế giới cùng các đồng minh của họ. Một trọng tâm kinh tế của chiến lược này là chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để đưa về Mỹ và các nước đồng minh.
Washington đã có một chiến lược rõ ràng. Theo sắc lệnh hành pháp về chuỗi cung ứng số 1417 của Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành ngày 24-2-2021, 4 nhóm ngành sản xuất có tính chất chiến lược cần phải đảm bảo gồm: (1) y tế công cộng và các vật phẩm sinh học, (2) công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), (3) năng lượng, và (4) khoáng sản và nguyên vật liệu quan trọng.
Cơ quan Quản lý thương mại quốc tế (ITA) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xây dựng danh sách khoảng 2.400 loại hàng hóa và nguyên vật liệu quan trọng trong 4 chuỗi cung ứng đó.
Trong các hàng hóa thuộc diện ưu tiên dịch chuyển đến nước bạn của Hoa Kỳ và quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, 10 lĩnh vực mà Việt Nam có thể tham gia gồm: (1) điện tử bán dẫn, (2) khai thác tinh chế khoáng chất giá trị cao phục vụ ngành bán dẫn, (3) hạ tầng số, (4) trí tuệ nhân tạo, (5) y tế và chăm sóc sức khỏe, (6) năng lượng, (7) phát triển nguồn điện và dịch chuyển xanh, (8) phát triển cơ sở hạ tầng và logistics, (9) nâng cao năng lực nghiên cứu, và (10) giáo dục đại học.
Các vấn đề liên quan đến các danh mục trên đã được nêu trong nội dung triển khai về đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Phía Mỹ, bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, cũng đã có những bước đi cụ thể, nổi bật là những hoạt động liên quan đến ngành điện tử bán dẫn, hạ tầng số và trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp Mỹ cũng có những động thái thực tiễn.
Trung Quốc cũng đang đánh cờ vây với Mỹ. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vào những ngày cuối năm 2023 đến Việt Nam nằm trong ván cờ này.
Ở khía cạnh kinh tế, các thỏa thuận trong chuyến thăm của ông Tập được tập trung vào 3 vấn đề: (1) cơ hội để Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, (2) các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, và (3) nguồn vốn từ Trung Quốc cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Với vấn đề thứ nhất, Trung Quốc đang rất cần mở rộng quan hệ giao thương với các nước để có thể lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn đóng cửa vì đại dịch Covid và chiến tranh thương mại với Mỹ. Nhu cầu về nhiều loại sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc là rất lớn.
Thứ hai, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn đầu tư ra nước ngoài vì hai mục đích: tạo dựng mối quan hệ và ảnh hưởng trong chiến lược phát triển và xây dựng vị trí siêu cường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này; và phá thế bao vây của Mỹ và các nước khác để có thể đưa hàng hóa hay tiếp tục giao thương với Mỹ, dù là qua đường vòng. Nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc vì vậy là rất lớn và có tính chiến lược, lâu dài với họ.
Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc đang có một nguồn vốn rất lớn và muốn đầu tư ra nước ngoài trong khuôn khổ sáng kiến hạ tầng quy mô toàn cầu của họ - Vành đai con đường. Việt Nam cần rút ra những bài học trong quá khứ về những trục trặc liên quan đến các dự án từ vốn Trung Quốc lẫn các nước khác để làm thật tốt cho những dự án trong tương lai.
Những thỏa thuận với hai siêu cường trong năm 2023 bao gồm rất nhiều vấn đề. Trong đó có những việc được các nước khuếch trương vì mục tiêu của họ, nhưng khả năng tận dụng của Việt Nam không cao. Do vậy, chúng ta cần tập trung vào những việc thực chất để nắm tốt các cơ hội.
Thứ nhất, cần xác định tinh thần tận dụng cơ hội trong sự cẩn trọng chứ không nên thấy các cường quốc 'đánh nhau" là tìm cách đóng cửa. Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc chơi dài hạn.
Bất trắc và những rủi ro luôn tồn tại, nhưng Việt Nam đang ở vị thế nếu tính toán và có những bước đi hợp lý thì lợi ích sẽ cao hơn chi phí. Vấn đề của Việt Nam là hành động sao cho phần của mình được nhiều nhất và thuận lợi cho việc đạt được mục tiêu và xác lập vị trí.
Thứ hai, cần đầu tư có trọng tâm và trọng điểm để đảm bảo chất lượng hạ tầng (cả cứng và mềm) cũng như các dịch vụ hỗ trợ nhằm đáp ứng các nhà đầu tư chất lượng cao. Cần ưu tiên cho các trung tâm kinh tế và lĩnh vực thúc đẩy nâng cao năng suất cho Việt Nam.
Trong đó, chất lượng của hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo có vai trò then chốt.
Thứ ba, đảm bảo ổn định chính trị nội bộ và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ. Các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về các tác động không mong đợi của chiến dịch chống tham nhũng. Do vậy, lãnh đạo của quốc gia cần phát đi thông điệp rõ ràng với các hành động cụ thể để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm chọn Việt Nam; đội ngũ cán bộ công chức yên tâm làm việc, doanh nghiệp và người dân yên tâm làm ăn.
Thứ tư, tìm hiểu thật kỹ các nội dung cụ thể để nhà đầu tư Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như nhà đầu tư nước ngoài nói chung vào Việt Nam theo cách tạo ra lợi ích và sự thuận tiện cho họ, nhưng đảm bảo các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đã tới lúc Việt Nam phải coi nhận được sự chuyển giao công nghệ và leo lên cao hơn trên chuỗi cung ứng là điều kiện tiên quyết với các hoạt động đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, tìm hiểu kỹ các cơ hội kinh doanh cũng như xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong vấn đề này, việc tạo dựng các mối quan hệ và lòng tin ở mức cần thiết là hết sức quan trọng.
Việt Nam đang có cơ hội mang tính chiến lược lần thứ hai kể từ Đổi mới, dù để tận dụng được cơ hội đó, phải giải quyết được những thách thức không hề nhỏ.■
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc chơi dài hạn. Bất trắc và những rủi ro luôn tồn tại, nhưng Việt Nam đang ở vị thế nếu tính toán và có những bước đi hợp lý thì lợi ích sẽ cao hơn chi phí. |
Theo HUỲNH THẾ DU - cuoituan.tuoitre.vn