Cùng với sự hấp dẫn về môi trường đầu tư của tỉnh, Long An đã tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến đầu tư nước ngoài, dần kéo giảm khoảng cách với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ trong thu hút FDI.
Theo Sở KH-ĐT Long An, chiến lược xúc tiến đầu tư tập trung trong những năm gần đây của tỉnh có 2 hướng chính. Một là trực tiếp tiếp cận thị trường quốc tế thông qua các chuyến công tác, hội nghị xúc tiến đầu tư và chuẩn bị đầy đủ. Hai là bài bản các điều kiện cần thiết để đón tiếp các đoàn doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu môi trường đầu tư.
Từ năm 2023 đến nay, Long An đã tổ chức 8 đoàn công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…Những chuyến đi này không chỉ là cơ hội để tỉnh giới thiệu tiềm năng, lợi thế mà còn tạo ra sự kết nối trực tiếp với các DN và tổ chức kinh tế quốc tế, giúp củng cố lòng tin và thắt chặt mối quan hệ đối ngoại, góp phần nâng cao uy tín, tiềm lực, vị thế, thu hút đầu tư. Tính đến nay, Long An đã ký kết và thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với 7 địa phương quốc tế như tỉnh Chungcheongnam-do và TP.Yangsan (Hàn Quốc), tỉnh Hyogo, tỉnh Ibaraki, TP.Okayama (Nhật Bản), TP.Sacramento (Hoa Kỳ), TP.Leipzig (Đức).
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An chứng kiến lễ ký kết giữa Công ty CP Đồng Tâm và Tập đoàn CS Wind xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió quy mô lớn
Song song đó, Long An phối hợp với Tham tán thương mại của Bộ Công thương để tuyên truyền thông tin về môi trường đầu tư của tỉnh. Qua đó đã kết nối và làm việc với nhiều cơ quan, hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài. Tiêu biểu là đoàn công tác của Phòng thương mại và công nghiệp TP.Okayama; đoàn công tác của Hiệp hội hữu nghị Yamanashi - Việt Nam và DN tỉnh Yamanashi; đoàn công tác của thương vụ Việt Nam tại Singapore.
Với phương châm "thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh", lãnh đạo tỉnh Long An thường xuyên và định kỳ tổ chức các hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, riêng năm 2024 đã tổ chức thành công 2 hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc và DN FDI. Sự đồng hành này đã lan tỏa rất lớn, khi chính các nhà đầu tư hiện hữu là người sẽ truyền thông đến các nhà đầu tư mới về môi trường đầu tư, sự cam kết hỗ trợ của tỉnh trong suốt quá trình từ nghiên cứu, khảo sát đến triển khai, mở rộng dự án (DA) tại Long An.
Tỉnh Long An liên tục dẫn đầu vùng ĐBSCL và trong top 10 cả nước về điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, Long An có 1.388 DA FDI, tổng vốn trên 11,8 tỉ USD. Theo số liệu tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến tháng 6.2024, FDI của Long An chiếm trên 70% số DA và trên 38% số vốn đăng ký của khu vực ĐBSCL. So sánh với toàn vùng Đông Nam bộ, FDI của Long An khoảng 7% về số DA…
Các DA lớn tập trung ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, và sản xuất hàng tiêu dùng tại các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc… Đây là những ngành có giá trị gia tăng cao, giúp Long An không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Đặc biệt, ngày 10.9.2024 vừa qua, Công ty CP Đồng Tâm (Long An) và Tập đoàn CS Wind (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thiết bị điện gió quy mô lớn, tổng vốn đầu tư dự kiến 200 triệu USD tại KCN Đông Nam Á thuộc Cụm dự án Cảng Quốc tế Long An.
Những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư thời gian qua là hiệu quả của sự kết hợp tổng hòa của các yếu tố chiến lược về tiềm năng, vị trí và tầm nhìn tiên phong của lãnh đạo, sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng, thân thiện và hiệu quả.
Theo Hiển Hạo - thanhnien.vn