Có một kết quả khá bất ngờ về vốn cam kết của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và dự án FDI đang hoạt động điều chỉnh vốn đều tăng cao trong bối cảnh nhà đầu tư hạn chế đi lại do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự tăng cao vốn cam kết này chủ yếu là từ sự đóng góp của số ít dự án tỉ đô la.
Theo bản báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-4 vừa qua, cả nước có 984 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỉ đô la Mỹ. Kết quả này dù bị giảm 9,1% về số dự án, nhưng lại tăng đến 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.
Theo cách phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn cam kết đầu tư của các dự án mới tăng cao là do trong bốn tháng đầu năm nay có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp vốn đầu tư mới với tổng vốn cam kết 4 tỉ đô la, chiếm 59% tổng vốn đăng ký mới. Điều này đã đẩy quy mô dự án FDI bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,9 triệu đô la năm 2019 lên 6,9 triệu đô la năm 2020.
Tương tự, về vốn điều chỉnh, trong cùng thời gian nói trên có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh (giảm 5,2%) với tổng vốn tăng thêm đạt trên 3,07 tỉ đô la, tăng đến 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn điều chỉnh tăng đột biến này sau khi giảm liên tục trong ba tháng đầu năm 2020 do nhà đầu tư dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỉ đô la.
Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong cùng thời gian trên lại giảm mạnh, dẫn đến làm giảm tổng vốn đầu tư.
Cụ thể trong bốn tháng đầu năm nay có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị gần 2,48 tỉ đô la, chỉ bằng 34,7% vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu vốn đầu tư đăng ký bốn tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Hùng Lê
Mặc dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu xét về giá trị, vốn đăng ký bốn tháng đầu năm 2020 vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, 16,4% so với năm 2017 và 79% so với năm 2016). Mức độ giảm trong bốn tháng cũng ít hơn so với ba tháng đầu năm nay.
Trong số 93 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong khoảng thời gian nói trên, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,07 tỉ đô la, chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,46 tỉ đô la (chiếm 11,8%); Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,16 tỉ đô la (chiếm 9,4%). Tiếp theo là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc...
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6 tỉ đô la, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,9 tỉ đô la, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn bán lẻ và hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký tương ứng là 776 triệu đô la và 665 triệu đô la. |
Theo TBKTSG Online